Bút chiến về Hoàng Sa trên báo Thái Lan
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đăng bài trên tờ báo hàng đầu của Thái, bác bỏ lập trường sai trái về mặt lịch sử và pháp lý của đại sứ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
|
Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan. Ảnh: vietnamembassy-thailand
|
Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan hôm 7/7 đăng bài viết "Ai là kẻ gây bất ổn ở Biển Đông? - Vài lời với Đại sứ Ninh Phú Khôi" lên báo Matichon, phản bác một bài trước đó của ông Ninh cũng trên báo này hôm 23/6.
Ông Thành lần lượt bác bỏ từng luận điểm sai trái về
mặt lịch sử và pháp lý trong bài báo của Đại sứ Trung Quốc Ninh Phú
Khôi, đồng thời chỉ trích những hành động vô nhân đạo của nước này xung
quanh giàn khoan Hải Dương 981.
Về mặt lịch sử, ông Thành bác bỏ quan điểm của Đại sứ Trung Quốc cho
rằng chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền liên tục, hợp pháp và
ổn định đối với quần đảo Hoàng Sa từ giữa và cuối thế kỷ thứ 10. "Điều này mâu thuẫn với lịch sử và nhầm lẫn về pháp lý", đại sứ Việt Nam viết, viện dẫn những tài liệu quốc tế và của chính Trung Quốc để phản bác.
Theo Đại sứ Thành, ông Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville, nhà
bản đồ học hàng đầu người Pháp, thể hiện lãnh thổ Trung Quốc thời Càn
Long (1736 - 1795) chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam trong tấm bản đồ xuất
bản tại Đức thế kỷ 18. Tấm bản đồ được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng ba khi ông Tập tới thăm Đức.
Về mặt pháp lý, đại sứ Thành khẳng định "không có bất cứ tài liệu
quốc tế chính thức liên quan nào ghi rằng Trung Quốc giành lại Hoàng Sa
từ Nhật Bản năm 1946 như Đại sứ Ninh đã viết".
Phản bác luận điểm cho rằng hoạt động của giàn khoan Hải
Dương-981 là sự tiếp nối của tiến trình thăm dò trong suốt 10 năm qua,
nằm trong phạm vi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc, ông Thành cho biết hoạt
động thăm dò, khảo sát trái phép của Trung Quốc tại vùng biển của Việt
Nam ở Biển Đông trong một thập kỷ qua luôn gặp phải sự phản đối của Việt
Nam, dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau.
"Việc Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động của giàn khoan Hải
Dương 981 lần này là để bảo vệ khu vườn cùng các cây cối tại đó của mình
đang bị một người hàng xóm vô cớ đòi sở hữu", đại sứ viết.
Đại sứ Việt Nam cũng chỉ trích Trung Quốc huy động một lực lượng hùng
hậu tàu bè và máy bay các loại, trong đó có cả tàu quân sự hiện đại,
trang bị vũ khí đầy đủ để phun vòi rồng, đâm va, cản phá hoạt động của
tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam.
"Vô nhân đạo hơn cả là việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá
của Việt Nam đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và
các tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động tàu Việt Nam cứu trợ đối với
10 thuyền viên của tàu bị chìm", ông Thành cho biết.
Các hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế,
trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với
tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông cũng như
các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành vi của Trung Quốc không còn
là một vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc mà đã và đang đe
dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và gây bất ổn trong khu vực.
Với bài viết trên báo Thái Lan, đại sứ Việt Nam chỉ ra khoảng cách lớn giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc. Ông yêu cầu Trung
Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra
khỏi vùng biển của Việt Nam và cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề pháp
lý liên quan.
Ông Thành cũng cho rằng cả hai đại sứ nên tận dụng
hiểu biết về tranh chấp hiện nay xung quanh hoạt động của giàn khoan Hải
Dương 981 để đưa ra những đề xuất phù hợp với cơ quan chức năng trong
nước, "kể cả việc kiến nghị chính phủ hai nước trình bày những bằng
chứng lịch sử và lập luận pháp lý của hai bên trước một cơ quan tài phán
quốc tế để phân xử".
"Việc Trung Quốc đồng ý sử dụng biện pháp hòa bình giải quyết
tranh chấp này và quan trọng hơn, đó là tuân thủ phán quyết của cơ quan
tài phán quốc tế chính là điều thiết thực để giúp các nước như Việt Nam
và Thái Lan có lòng tin rằng Trung Quốc thực sự thực hiện 'trách nhiệm
của 'một nước lớn'", đại sứ Việt Nam viết.
Trước đó, các cuộc tranh luận bằng phỏng vấn hoặc bài viết cũng được
các đại sứ Việt Nam tại Mỹ và Indonesia thực hiện, phản bác các quan
điểm sai trái của phía Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và việc
đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Trọng Giáp
Bút chiến về Hoàng Sa trên báo Thái Lan
Reviewed by Unknown
on
21:08
Rating:
Không có nhận xét nào: